Tin thủy sản
Bạc Liêu tháo gỡ “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mô hình lúa thơm – tôm sạch
“Thời gian qua, được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xây dựng, triển khai các quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và chuyên ngành phù hợp với điều kiện cụ thể, quy luật tự nhiên “thuận thiên”, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, sống chung với hạn, mặn”, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều nhận định
Đưa Nghị quyết “phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết: “Chúng ta đã cơ bản chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã và đang nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn thách thức; đặc biệt là đại đa số người dân đã đồng tình, ủng hộ và chủ động tham gia, mang lại hiệu ứng rất tốt.
Có thể nói, Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về “phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” đã mang lại luồng sinh khí mới, tạo sự quan tâm sâu rộng cũng như tạo nên tiếng nói chung cho sự phát triển bền vững của Vùng. Đây là cơ sở để chúng ta tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế biến “nguy thành cơ”.
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều phát biểu tại Hội thảo phát triển mô hình lúa thơm – tôm sạch vùng Mê Kông (ngày 10/02). |
Đối với Bạc Liêu có điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước đa dạng, với 03 vùng sinh thái (mặn, lợ, ngọt) nên Bạc Liêu rất thuận lợi trong phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển thủy sản nói riêng (thủy sản chiếm 58% trong cơ cấu sản phẩm ngành nông nghiệp, chiếm 21% cơ cấu kinh tế của tỉnh)”.
Đồng thời với phát triển tôm, việc phát triển cây lúa, nhất là mô hình tôm – lúa đã và đang có nhiều bước tiến bộ rất tốt, mang lại hiệu quả cao nhờ vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Đơn cử như: Giống chịu mặn, cải tiến thời vụ, sử dụng phân bón, thuốc vi sinh, sinh học…. Mô hình tôm – lúa tạo ra hệ sinh thái, môi trường an toàn, ổn định có lợi cho nuôi tôm và trồng lúa bền vững, cho ra sản phẩm an toàn đáp ứng cho người tiêu dùng và xuất khẩu hiện nay.
‘‘Đặc biệt, mô hình tôm – lúa là mô hình bền vững, hiệu quả, là mô hình “thông minh” tạo ra các sản phẩm sạch, phù hợp với Quy trình GAP, giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác, phòng chống dịch ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… từ đó nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đó có thể khẳng định, đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển mô hình “lúa thơm – tôm sạch” của tỉnh Bạc Liêu và của vùng ĐBSCL” – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều nhấn mạnh.
Tháo gỡ “nút thắt”, điểm nghẽn” trong quản lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật
Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế và dài hạn thì mô hình tôm – lúa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là biến đổi khí hậu, nước biển dâng và gần đây là hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn. Những vấn đề này đang là mối đe dọa thực sự đến sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.
Bạc Liêu có điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước đa dạng, với 03 vùng sinh thái (mặn, lợ, ngọt) nên rất thuận lợi trong phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển thủy sản nói riêng. |
Bên cạnh đó, trong quá trình chuyển dịch từ lúa kém hiệu quả sang nuôi luân canh thủy sản thì các công trình hạ tầng (thủy lợi, điện, giao thông…) mặc dù đã quan tâm đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, nguồn tôm giống chất lượng chưa được người nuôi quan tâm, môi trường nước có nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra ngày càng nhiều; một số tiểu vùng sản xuất chỉ chú trọng con tôm mà ít quan tâm đến cây lúa,… Từ đó, dẫn đến phát triển chưa bền vững.
Theo Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều, tỉnh cần phải đề ra giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế của mô hình, tháo gỡ những “nút thắt”, những điểm nghẽn” trong quản lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, phải phổ biến cách làm hay, triển khai nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Đồng thời, chính sách phù hợp để mô hình tôm – lúa thực sự trở thành mô hình “thông minh” có hiệu quả cao và bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, hướng tới phát triển mô hình “lúa thơm – tôm sạch”, xây dựng thương hiệu quốc gia.
Bạc Liêu hiện có hơn 140.000 ha diện tích canh tác nuôi trồng thủy sản, với nhiều loại hình sản xuất nuôi trồng đa dạng mang lại lợi ích kinh tế, giá trị sản xuất thủy sản cao, là nơi có sản lượng tôm nuôi đứng thứ 02 cả nước và là tỉnh có quy mô sản xuất tôm giống lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, cho năng suất cao gấp 10-15 lần so với nuôi tôm thông thường; trong chuyển dịch cơ cấu, mô hình canh tác tôm – lúa đều tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng, đây là mô hình phát triển bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 – 30% so với độc canh cây lúa; có nhiều Doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất (nuôi tôm sạch, sinh thái, lúa thơm, chất lượng cao…) với các Hợp tác xã, Tổ hợp tác và bà con nông dân.
Nguồn tin: baophapluat.vn