Tin thủy sản
Gỡ khó cho con tôm
Những tháng đầu và giữa năm 2021, ngành tôm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến các tháng cuối năm đã bật tăng trở lại do tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
1/Là địa phương có thế mạnh về tôm nuôi, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhìn chung, mùa vụ nuôi tôm năm 2021 của tỉnh đã cơ bản thành công về kế hoạch diện tích, sản lượng và tỷ lệ thiệt hại chỉ xảy ra ở mức khoảng 6%. Đây là một tín hiệu khả quan và đã phát huy hiệu quả tốt trong chỉ đạo sản xuất, phòng, chống dịch bệnh. Hơn nữa, việc thả nuôi đã được người dân bố trí theo mô hình thả cuốn chiếu, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiến bộ, chú trọng công nghệ, nâng cao năng suất, an toàn thực phẩm, góp phần hạn chế được thiệt hại do thời tiết, dịch bệnh. Trong năm 2022, khi diện tích nuôi tôm của tỉnh không tăng, đòi hỏi phải tăng thâm canh để tăng năng suất. Cùng với đó, kiểm soát chất lượng các đầu vào của các vùng nuôi: giống, vật tư, tổ chức sản xuất với ứng dụng công nghệ, quản lý môi trường nuôi…, ông Nam đánh giá.
Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, trong thời gian qua dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản và các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Điều này xuất phát từ việc giá các loại vật tư đầu vào tăng mạnh, giá mặt hàng giảm sâu; dịch bệnh lan rộng đã làm cho thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; một số doanh nghiệp, thương lái giảm sức mua hoặc mua với giá thấp… Bên cạnh đó, giá một số vật tư đầu vào (thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường…) tiếp tục tăng, khiến cho sản lượng thủy sản nuôi trong năm tăng cao nhưng so về hiệu quả kinh tế lại giảm. Chính sách hỗ trợ tín dụng, ngân hàng chưa thật sự mạnh dạn cho người nông dân vay vốn để sản xuất.
2/ Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, tôm Việt Nam có thế mạnh về thị phần và lợi thế về chất lượng so các đối thủ cạnh tranh. Hiện nay, tại những thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Australia, dù có nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng tôm chân trắng và tôm sú xuất khẩu của Việt Nam luôn có vị trí số 1 nhờ chất lượng ổn định, từ tôm nguyên liệu đông lạnh đến các sản phẩm chế biến đa dạng, phù hợp mọi phân khúc thị trường. Do đó, các doanh nghiệp thủy sản nói chung, ngành hàng tôm nói riêng cần chú trọng bảo đảm an toàn cho sản xuất, việc này tốn nhiều công sức và chi phí nhưng rất cần thiết. Bên cạnh đó, phải theo dõi diễn biến tình hình thị trường, nhu cầu cũng như năng lực các quốc gia là đối thủ cạnh tranh để chủ động tìm bước đi phù hợp hoàn cảnh, thúc đẩy nhanh nhất việc phục hồi sản xuất an toàn, tiến tới ổn định, phát triển lâu dài.
Để phát triển ngành tôm khi bước sang năm 2022 và các năm tiếp theo, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho rằng, các thị trường kiểm soát rất chặt chẽ đối với tôm Việt Nam, vì vậy cần thường xuyên cập nhật các yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, kiểm soát vật tư và nguyên liệu đầu vào cho chế biến xuất khẩu để phòng tránh dịch bệnh lây lan đối với tôm nuôi trong nước. Ứng dụng khoa học-công nghệ, phát triển các ứng dụng để nông dân cũng như doanh nghiệp có thể nắm rõ yêu cầu của các thị trường và đề xuất những khó khăn trong quá trình nuôi, qua đó các đơn vị chuyên ngành, nhà khoa học kịp thời thông tin hỗ trợ để tháo gỡ những vướng mắc về giải pháp kỹ thuật.
Tại Hội nghị “Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và năm 2022”, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, 2021 là năm đặc biệt khó khăn khi ngành nông nghiệp phải đối phó dịch Covid-19 và các biến động thời tiết, khí hậu, thiên tai khác. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng chúng ta đã phản ứng nhanh và hiệu quả, tạo ra bứt phá tương đối ngoạn mục. Sản lượng của ngành nuôi trồng tôm dự kiến đạt 970 nghìn tấn, tương đương diện tích nuôi 740 nghìn ha. Ngoài nỗ lực vượt khó khăn, kim ngạch xuất khẩu này còn đạt được do những lợi thế về thị trường và giá tôm trên thế giới đang cao.
“Việt Nam đang thực hiện 16 hiệp định FTA thế hệ mới, nên các thị trường đều có yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn rất cao. Mặc dù thị trường thuận lợi, giá cao, nhưng để giữ vị thế số 1 với các đối thủ cạnh tranh, các doanh nghiệp nên tập trung vào năng suất và chất lượng, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến xuất khẩu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Nguồn tin: nhandan.vn