Uncategorized
Kiên Giang phát triển mạnh nuôi tôm nước lợ
Đến thời điểm này, tỉnh Kiên Giang đã thả nuôi tôm nước lợ trên 127.000 ha, đạt hơn 90,2% kế hoạch, gồm nuôi công nghiệp, quảng canh – quảng canh cải tiến và tôm – lúa, sản lượng thu hoạch đến nay hơn 20.500 tấn, bằng 18,8% kế hoạch.
Tỉnh tập trung phát triển nuôi tôm, phấn đấu đến hết quý II/2022, tổng sản lượng tôm nuôi đạt từ 40.340 tấn trở lên.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Tỉnh tập trung thả tôm nuôi trên 100% diện tích kế hoạch năm 2022 là 140.694 ha. Ngành thuỷ sản tỉnh cũng triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, quản lý và kiểm soát chặt chẽ tôm giống để đạt chất lượng thả nuôi; hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới cho người nuôi tôm, nhằm đạt năng suất, sản lượng cao. Thực hiện thủy lợi, đảm bảo cung cấp nguồn nước mặn – lợ cho nuôi tôm; cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi thủy sản chủ lực phục vụ việc truy xuất nguồn gốc, minh bạch trong sản xuất tôm nước lợ phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước”.
Tỉnh tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình sản xuất như: tôm – lúa, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm – cua biển kết hợp ở các huyện Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, An Biên, An Minh, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành…, chú trọng tăng thêm diện tích, năng suất, sản lượng tôm càng xanh, cua biển trong mô hình nuôi kết hợp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn, tỉnh phát triển khá nhanh hình thức nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp và đến năm 2020 hơn 5.000 ha, sản lượng đạt 31.324 tấn, tăng hơn 37% về diện tích và tăng gần 20% về sản lượng so với năm 2015.
Đặc biệt, phát triển mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn và thực hiện 44 điểm trình diễn tại các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, An Minh và thành phố Hà Tiên, quy mô 1.200 m2/điểm, năng suất trung bình 24,25 tấn/ha, lợi nhuận trung bình 280 triệu đồng/ha. Mô hình này có tính ổn định, bền vững, mang lại thu nhập cao cho nông dân và tạo ra sản phẩm phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp hiện nay.
Tiếp đến, diện tích trồng lúa kém hiệu quả hoặc không đảm bảo nguồn nước tưới chuyển sang mô hình tôm – lúa, nuôi tôm quảng canh cải tiến đến năm 2020 là 131.105 ha, sản lượng đạt 61.666 tấn tôm. Việc chuyển đổi này đã mang lại hiệu quả cho người sản xuất, từ thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha tăng lên 100 – 130 triệu đồng/ha.
Nguồn tin: baotintuc.vn