Festival tôm Cà Mau sẽ chính thức diễn ra từ ngày 13 đến 16/12

Thành công từ Lễ hội cua năm 2022 là đòn bẩy và động lực để Cà Mau quyết định tổ chức Festival tôm năm 2023 với hàng loạt chuỗi sự kiện về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch.

Đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 sẽ chính thức diễn ra tại thành phố Cà Mau từ ngày 13 đến 16/12.

Sự kiện này có quy mô cấp khu vực với chủ đề “Nâng tầm tôm Việt – Cùng phát triển sản phẩm OCOP”. Có 14 hoạt động chính tại Festival tôm Cà Mau, trong đó, điểm nhấn là chương trình khai mạc và bế mạc, trưng bày, triển lãm và một số hội nghị, hội thảo về phát triển ngành tôm…

camau.png
Ảnh minh hoạ

Đến nay, công tác tổ chức, sắp xếp, bố trí không gian trưng bày, triển lãm thương mại ngành tôm và triển lãm thương mại sản phẩm OCOP đã cơ bản hoàn thành, với tổng số 387 gian hàng/141 đơn vị tham gia. Trong đó, 223 gian hàng sản phẩm ngành tôm, chiếm hơn 70% (ngoài tỉnh có 98 gian hàng, trong tỉnh 125 gian) và 164 gian hàng sản phẩm OCOP (ngoài tỉnh có 127 gian, trong tỉnh 37 gian).

Cùng với đó là các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, như: Xúc tiến thương mại; sơ kết chương trình liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm 2023; xúc tiến du lịch; hội nghị “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long 2023”; Hội thảo “Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm Cà Mau”; Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành tôm”…

Ban tổ chức cũng đã chọn được các địa điểm có vùng nuôi, mô hình nuôi đạt chuẩn và làng nghề ven biển gắn kết với các tour, tuyến tham quan du lịch. Theo đó, đã thiết kế 02 tuyến tham quan, gồm tuyến thành phố Cà Mau đến huyện Thới Bình và tuyến thành phố Cà Mau đến xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển dành cho các đối tượng khác nhau.

Xuyên suốt trong khuôn khổ Festival tôm còn có Ngày hội “Ẩm thực thủy sản Cà Mau” kết hợp trình diễn tinh hoa ẩm thực Việt. Tại đây, các tổ chức, cá nhân, đầu bếp… kinh doanh lĩnh vực ẩm thực sẽ tham gia chế biến, trang trí hình ảnh liên quan đến tôm và các đối tượng thủy sản đặc hữu của vùng đất Cà Mau theo từng chủ để khác nhau.

Thông qua sự kiện lần này, tỉnh Cà Mau mong muốn quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về kinh tế, văn hóa, du lịch và triển vọng phát triển bền vững. Tạo không khí đoàn kết, thể hiện tình cảm trân trọng, mến khách của Nhân dân địa phương đối với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, quảng bá nâng tầm thương hiệu tôm Cà Mau, các sản phẩm OCOP của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tạo điều kiện kết nối chuỗi doanh nghiệp ngành tôm nhằm chung tay thúc đẩy phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín, vị thế con tôm Cà Mau trên thị trường trong và ngoài nước.

Cà Mau xác định con tôm là mặt hàng chủ lực cấp quốc gia

Trong chuỗi ngành hàng của mình, Cà Mau xác định sản phẩm chủ lực cấp quốc gia của địa phương là con tôm. Riêng sản phẩm chủ lực cấp tỉnh gồm: cua biển, lúa gạo, chuối, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Đó cũng là 5 nhóm ngành hàng nằm trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Cà Mau trong 5 năm vừa qua.

Trong nông nghiệp ở Cà Mau, lĩnh vực thủy sản tiếp tục khẳng định được vai trò mũi nhọn. Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tiếp tục tăng, vùng nuôi tôm sinh thái có chứng nhận quốc tế tiếp tục mở rộng; nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của Cà Mau tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu trong cả nước.

Đến nay, tỉnh đã phát triển vùng nuôi thủy sản khoảng 300 nghìn ha, trong đó có khoảng 280 nghìn ha nuôi tôm, là địa phương có diện tích nuôi tôm đứng đầu cả nước. Trong số ấy, diện tích nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn đạt khoảng 80 nghìn ha. Đây là mô hình nuôi tôm sú cho chất lượng tốt nhất tại Cà Mau.

Bên cạnh đó, tỉnh còn khoảng 50 nghìn ha đất canh tác mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm (còn gọi là mô hình lúa-tôm), tạo ra sản phẩm tôm sú hữu cơ, gạo hữu cơ thân thiện với môi trường và an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Nhờ cách thức canh tác theo mô hình thân thiện với môi trường và không gây phát thải hiệu ứng nhà kính mà đến nay, tôm sú Cà Mau đã đạt nhiều chứng nhận quốc tế như: ASC, B.A.P, Global GAP… Đây cũng là yếu tố giúp các sản phẩm chế biến từ tôm sú Cà Mau có mặt và được xuất khẩu qua hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đầu năm ngoái, tôm sú Cà Mau đã được trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là động lực để Tôm sú Cà Mau tiếp tục duy trì danh tiếng nhờ phương pháp sản xuất được tích lũy từ lâu đời. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý với tôm sú không chỉ là sự nghi nhận của Nhà nước mà còn thể hiện niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm đặc thù tại Cà Mau.

Cửu Long

Nguồn tin: vietnamnet.vn