Phát triển con tôm trở thành đối tượng nuôi chủ lực của ngành thuỷ sản

Quảng Ninh xác định tôm là đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực của địa phương. Với định hướng đó, trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp, mở rộng diện tích, nâng cao giá trị, sản lượng tôm nuôi của tỉnh…

Công ty CP thủy sản Tân An thu hoạch 180 tấn tôm vụ Đông 2021 - 2022.
Công ty CP Thủy sản Tân An thu hoạch 180 tấn tôm vụ Đông 2021- 2022.

Quảng Ninh hiện có gần 7.000ha tôm nuôi, trong đó có khoảng 4.000ha nuôi tôm công nghiệp. Tỉnh cũng thuộc nhóm các địa phương khu vực phía Bắc có diện tích nuôi tôm lớn. Các mô hình tôm công nghiệp trên địa bàn chủ yếu nuôi theo hướng quảng canh cải tiến, thâm canh hoặc siêu thâm canh, có áp dụng công nghệ, năng suất tăng cao hơn hẳn so với mô hình nuôi tôm quảng canh thông thường. Tổng sản lượng tôm nuôi năm 2021 đạt trên 14.000 tấn, trị giá khoảng 1.400 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 9 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống. Trong quý I, đã thả nuôi khoảng 820 triệu con tôm giống.

Là một trong những địa phương đi đầu về nuôi tôm, TP Móng Cái đã thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao sản lượng và chất lượng tôm. Theo ông Dương Trí Tuệ, Trưởng Phòng Kinh tế TP Móng Cái: Với mục tiêu phát triển ngành nuôi tôm một cách bền vững, các đơn vị đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, như: Công nghệ nuôi tôm 2, 3 giai đoạn; công nghệ biofloc; nuôi ít thay nước; nuôi tuần hoàn nước; ứng dụng công nghệ vi sinh thay cho các sản phẩm kháng sinh, hóa chất phục vụ nuôi thủy sản… Nhờ vậy, sản lượng tôm đã tăng đáng kể. Trong 2 năm qua, sản lượng tôm đạt gần 3.600 tấn, trị giá khoảng 390 tỷ đồng, doanh thu đạt 770 triệu đồng/ha/năm.

Dây chuyền chế biến tôm tại Công ty CP Chế biến thủy sản BNA. Ảnh: Việt Hoa
Dây chuyền chế biến tôm tại Công ty CP Chế biến thủy sản BNA. Ảnh: Việt Hoa

Thực tế, những năm gần đây, việc nuôi tôm trên địa bàn tỉnh chuyển dần từ phương thức quảng canh, quảng canh cải tiến sang hình thức bán thâm canh, thâm canh. Các mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trong nhà kính, nuôi công nghệ Biofloc, nuôi đa giai đoạn… được áp dụng rộng rãi. Một số cơ sở đã áp dụng nuôi tôm trong nhà màng đem lại hiệu quả cao, nuôi được trong thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều.

Bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, năm 2017, tỉnh phê duyệt dự án Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại huyện Đầm Hà, do Công ty TNHH Việt Úc – Quảng Ninh làm chủ đầu tư để chủ động cung ứng con giống chất lượng cao với diện tích gần 170ha. Sau khi giai đoạn 1 của dự án được hoàn thiện vào năm 2019, công ty đã đưa vào hoạt động khu sản xuất tôm giống công suất 8 tỷ con/năm; khu nhà sản xuất tảo, Artemia và phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Từ năm 2022, các trại giống của công ty sẽ sản xuất 2 tỷ con giống trở lên/năm.

Mặc dù sở hữu những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, con người, chính sách, nhưng ngành nuôi tôm ở Quảng Ninh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, Quảng Ninh mới chỉ cơ bản chủ động về nguồn giống tôm, còn nguồn thức ăn, thuốc thú y thủy sản, vật liệu nổi đang phụ thuộc thị trường. Phần lớn quy mô sản xuất còn nhỏ, phân tán, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường. Năng suất nuôi của Quảng Ninh đạt chưa cao, nhất là tính liên kết giữa các đơn vị sản xuất, cung ứng, tiêu thụ còn yếu. Vẫn còn tình trạng nuôi trồng thuỷ sản tự phát, cơ sở thu mua, chế biến tôm và sản phẩm nuôi biển mới phát triển ở bước đầu…

Để từng bước khắc phục hạn chế, tỉnh đã xây dựng chiến lược phát triển dài hạn và bài bản, với những biện pháp nâng cao số lượng và chất lượng tôm nói riêng và thủy sản nói chung. Theo đó, định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trở thành trung tâm nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản của miền Bắc, tập trung phát triển nhanh các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi tôm công nghệ cao, công nghệ mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thành, định hướng cụ thể trong triển khai sản xuất tôm và nuôi biển của Quảng Ninh thời gian tới là sẽ tập trung phát triển toàn diện lĩnh vực nuôi tôm theo hướng xã hội hóa; tạo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến tới tiêu thụ sản phẩm, tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại; nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên biển gắn với tái tạo và bảo vệ nguồn lợi…

Trước mắt, trong năm 2022, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đưa sản lượng tôm tăng 74% so với năm 2021, lên 25.000 tấn, chiếm 25% tổng sản lượng nông nghiệp và 50% giá trị nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh. Diện tích nuôi tôm đạt 7.500ha.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT): Để hiện thực hóa mục tiêu đó, tỉnh sẽ nhanh chóng xây dựng, công bố cảng cá, đưa vào vận hành khu dịch vụ nuôi trồng thủy sản tại Đầm Hà, xây dựng đề án khu dịch vụ hậu cần nghề cá, sớm đưa Trung tâm nhuyễn thể Vân Đồn vào hoạt động, hiện đại hóa cơ sở chế biến thủy sản.

Nguồn tin: baoquangninh.com.vn